Tương lai chip thần kinh Loihi có thể giúp phát triển những chiếc “mũi điện tử” và robot nhằm phát hiện vũ khí, chất nổ, ma túy và thậm chí là cả bệnh tật.

Mới đây, các nhà nghiên cứu của nhà sản xuất chip lớn Intel cùng với Đại học Cornell đã hợp tác tạo ra một con chip thần kinh Loihi có khả năng học và nhận biết được 10 hóa chất độc hại. Tương lai gần, công nghệ này có thể giúp phát triển những chiếc “mũi điện tử” và robot nhằm phát hiện vũ khí, chất nổ, ma túy và thậm chí là cả bệnh tật.


Theo Intel, con chip có khả năng nhận biết được tới 10 mùi hương, trong đó có những chất quan trọng như a-xê-tôn, a-mô-ni-ắc, khí mê-tan…. Điều ấn tượng nhất là Loihi có thể học được từng mùi hương chỉ bằng một mẫu duy nhất.

Nabil Imam, một nhà nghiên cứu khoa học cao cấp của Intel cho biết, đây là một ví dụ điển hình của những nghiên cứu đương đại về sự kết hợp giữa khoa học thần kinh và trí tuệ nhân tạo (AI).

Ngoài ra, nhiều công ty cũng như các viện nghiên cứu trên toàn cầu cũng đang nỗ lực để phát triển AI có khả năng phát hiện mùi. Google hiện cũng đang hợp tác với các nhà điều chế nước hoa nhằm nhận biết các phân tử mùi hương. Nhà nghiên cứu Nga cũng sử dụng AI để phát hiện hỗn hợp khí gây nguy hiểm cho người, thậm chí họ còn muốn dùng máy học để tái tạo mùi hương của một loài hoa đã tuyệt chủng.

“Việc hiểu được cách não bộ giải quyết các vấn đề tính toán phức tạp có thể cung cấp cho chúng ta những manh mối quan trọng để thiết kế trí thông minh cho máy móc một cách hiệu quả”, ông Imam tuyên bố.

LK